Miễn nhiệm chức Chủ tịch Quốc hội của ông Vương Đình Huệ

Hoài Thu

(Dân trí) - Ông Vương Đình Huệ thôi chức Chủ tịch Quốc hội và thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV, theo quyết định được Quốc hội đưa ra sau khi bỏ phiếu kín tại kỳ họp bất thường lần thứ 7.

Chiều 2/5, Quốc hội họp kỳ bất thường lần thứ 7 theo triệu tập của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau khi nghe trình bày các báo cáo, tờ trình, Quốc hội đã tiến hành thảo luận, bỏ phiếu kín, thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Vương Đình Huệ, thuộc đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng.

Miễn nhiệm chức Chủ tịch Quốc hội của ông Vương Đình Huệ - 1

Ông Vương Đình Huệ chính thức thôi chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trước đó, ông Vương Đình Huệ đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, xin nghỉ công tác và được Ban Chấp hành Trung ương đồng ý.

Tại Hội nghị Trung ương hôm 26/4, Trung ương đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Ban Chấp hành Trung ương đánh giá ông Vương Đình Huệ là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở. Ông Huệ được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Vương Đình Huệ đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ông Huệ cũng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Hôm 22/4, trợ lý của ông Vương Đình Huệ là ông Phạm Thái Hà (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. 

Quyết định khởi tố này nằm trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Ban Chấp hành Trung ương nhận định những vi phạm, khuyết điểm của ông Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông.

Ông Vương Đình Huệ sinh năm 1957, quê ở Nghệ An. Ông là giáo sư, tiến sĩ Kinh tế.

Ông là Ủy viên Trung ương bốn khóa (X, XI, XII, XIII); Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV và XV.

Trải qua 22 năm công tác ở Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính), ông Huệ sau đó được bổ nhiệm làm Phó tổng Kiểm toán Nhà nước rồi Tổng kiểm toán Nhà nước, năm 2006.

Ông giữ chức Bộ Trưởng Tài chính từ tháng 8/2011, đến tháng 12/2012 được phân công làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương (kiêm nhiệm Bộ trưởng Tài chính đến tháng 5/2013). Từ tháng 4/2016, ông là Phó Thủ tướng.

Bốn năm sau, ông Huệ được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội, sau đó được Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó thủ tướng.

Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV (tháng 3/2021), ông Huệ được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Ba tháng sau đó, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, ông Vương Đình Huệ tái đắc cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV.