DNews

Bóng đá Việt Nam kỷ nguyên Kim Sang Sik và duyên nợ với Shin Tae Yong

Ngọc Trung

(Dân trí) - Ngày 3/5, VFF công bố quyết định bổ nhiệm ông Kim Sang Sik làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam. Một kỷ nguyên mới bắt đầu với những chờ đợi về diện mạo mới của bóng đá Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam kỷ nguyên Kim Sang Sik và duyên nợ với Shin Tae Yong

Kim Sang Sik - Rắn độc với đối phương, thủ lĩnh ăn chơi của đồng đội

Ông Kim Sang Sik sinh ngày 17/12/1976, là cựu tuyển thủ Hàn Quốc, với 59 lần khoác áo đội tuyển quốc gia (ĐTQG), từng góp mặt ở Wolrd Cup 2006, Asian Cup 2000 và 2007.

Trong màu áo câu lạc bộ (CLB), Kim Sang Sik cũng được biết đến như một tượng đài của K-League, với 378 lần ra sân trong các màu áo Seongnam Ilhwa Cheonma, Gwangju Sangmu và Jeonbuk Hyundai Motors và 4 lần lên ngôi vô địch.

Vị trí sở trường của Kim Sang Sik khi còn thi đấu là tiền vệ phòng ngự và đôi khi được kéo về chơi ở vị trí trung vệ. Phong cách chơi bóng của Kim Sang Sik thiên về sự hiếu chiến, máu lửa, quyết liệt và kiên cường.

Bóng đá Việt Nam kỷ nguyên Kim Sang Sik và duyên nợ với Shin Tae Yong - 1

HLV Kim Sang Sik được kỳ vọng mang đến diện mạo mới cho bóng đá Việt Nam (Ảnh: AFP).

Vì luôn bám riết không chịu buông tha khiến đối phương khó chịu và kiệt quệ, ông được gắn biệt danh là Viper (Rắn lục - một loài rắn độc có răng nanh dài và khớp nối để đâm sâu vào con mồi).

Tuy dữ dằn với đối thủ nhưng Kim Sang Sik rất được lòng đồng đội. Đó là người có tính cách hài hước, ham vui và biết cách dẫn dắt toàn đội. Thậm chí đôi khi Kim Sang Sik còn ham vui thái quá.

Đơn cử như vụ bê bối trốn khỏi khách sạn đi uống rượu vào ban đêm cùng ba đồng đội khác, khi tuyển Hàn Quốc dự Asian Cup ở Indonesia. Thế nên tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam còn có biệt danh là Siksa-ma, ngôn từ nói về những người vui vẻ, hóm hỉnh và yêu ẩm thực ở Hàn Quốc.

Kim Sang Sik giải nghệ vào năm 2013 và chuyển sang vai trò trợ lý HLV tại Jeonbuk Hyundai Motors từ năm 2013 đến 2020. Trong giai đoạn này, ông cũng nhận bằng HLV bóng đá chuyên nghiệp (thường được gọi là bằng Pro) do Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) cấp.

Năm 2021, Kim Sang Sik trở thành HLV trưởng CLB Jeonbuk Hyundai Motors. Ông sớm tạo dấu ấn bằng chức vô địch K-League 2021 và Cúp Quốc gia Hàn Quốc 2022. Kim Sang Sik là một trong ba người hiếm hoi từng đăng quang K-League trên cả cương vị cầu thủ lẫn HLV trưởng.

Tuy nhiên, sự nghiệp của vị chiến lược gia 48 tuổi này có phần chững lại trong vài năm trở lại đây. Tháng 5/2023, ông phải từ chức vì thành tích bết bát của Jeonbuk Hyundai Motors, thậm chí bị chính người hâm mộ CLB chỉ trích và yêu cầu ra đi.

Bóng đá Việt Nam kỷ nguyên Kim Sang Sik và duyên nợ với Shin Tae Yong - 2

HLV Kim Sang Sik tạo được dấu ấn khi dẫn dắt CLB Jeonbuk Hyundai Motors (Ảnh: AFP).

Về mặt chuyên môn, đội bóng của HLV Kim Sang Sik bị đánh giá thiếu chi tiết, định hướng chiến thuật và yếu trong khoản xử lý khủng hoảng trên sân. Dù vậy, không thể vì một giai đoạn để đánh giá năng lực của HLV. Bất ngờ trong thành công của HLV Park Hang Seo và thất bại của HLV Troussier tại tuyển Việt Nam là minh chứng điển hình.

Bài học từ người tiền nhiệm và diện mạo nào cho tuyển Việt Nam dưới thời HLV Kim Sang Sik?

Bóng đá Việt Nam đã đạt được thành công tột bậc cùng HLV Park Hang Seo, song không phải không có những vấn đề. Giai đoạn cuối dẫn dắt tuyển Việt Nam, ông Park không còn gặt hái nhiều thành công vang dội, liên tiếp thua kình địch Thái Lan tại AFF Cup và chịu áp lực từ công chúng.

Về mặt chuyên môn, đội tuyển Việt Nam cuối thời ông Park trở nên dễ đoán vì không có sự mới mẻ cả về lối chơi lẫn con người. Chiến thuật càng cũ kỹ vì phụ thuộc vào sự chắc chắn của hàng phòng ngự, rình rập cơ hội tấn công và thiếu đi những bài vở biến hóa, hiện đại để tiếp cận khung thành đối phương.

Trước bài toán làm mới đội tuyển ấy, HLV Troussier được chọn. Hồ sơ của nhà cầm quân người Pháp tưởng như đáp ứng mọi yêu cầu cho vị trí dẫn dắt ĐTQG, từ vị thế từng dẫn dắt tuyển Nhật Bản dự World Cup và vô địch Asian Cup đến việc quen thuộc với môi trường bóng đá Việt Nam khi từng đảm nhiệm chức giám đốc kỹ thuật Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF và huấn luyện viên U19 Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam kỷ nguyên Kim Sang Sik và duyên nợ với Shin Tae Yong - 3

HLV Kim Sang Sik khác thế hệ với HLV Park Hang Seo ở bóng đá Hàn Quốc (Ảnh: Mạnh Quân).

Tuy nhiên, thực tế HLV Troussier khiến dư luận thất vọng, tới mức không thể chịu đựng nổi. Không chỉ là thành tích thi đấu bết bát, cách ứng xử của vị chiến lược gia người Pháp với các học trò, giới truyền thông và người hâm mộ rất thiếu khéo léo, gây nên nhiều bức xúc.

Làm mới đội tuyển so với thời HLV Park Hang Seo và giao tiếp khéo léo, ứng xử phù hợp với văn hóa Việt Nam hơn HLV Troussier là điều mà HLV Kim Sang Sik cần làm khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.

Phân tích sâu hơn, so với ông Park, HLV Kim Sang Sik mới mẻ hơn theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Các nhà cầm quân tại Hàn Quốc đến nay chia làm hai thế hệ, lấy World Cup 2002 làm mốc. Những HLV thế hệ cũ như ông Park chú trọng quản lý con người, nhồi thể lực và đấu pháp có phần đơn giản, đề cao tính thực dụng.

Sau World Cup 2002, trong xu thế canh tân chiến thuật bóng đá, các thế hệ HLV mới ở Hàn Quốc cũng được đào tạo theo hướng khoa học, hiện đại hơn. Pressing (gây áp lực), kiểm soát bóng, chuyển trạng thái, biến đổi sơ đồ trở nên đa dạng, cầu kỳ, nhiều chi tiết. HLV Kim Sang Sik thuộc thế hệ này.

Trong thời gian dẫn dắt Jeonbuk Hyundai Motors, tuy có thời điểm bị đánh giá "thiếu chi tiết" nhưng thống kê chỉ ra, HLV Kim Sang Sik có định hướng sơ đồ chiến thuật khá rõ ràng. Ông sử dụng sơ đồ 4-2-3-1, khi có bóng (tấn công) chuyển sang biến thể 4-3-3 hoặc 4-5-1 và khi không bóng (phòng ngự) chuyển về 3-4-3 hoặc 3-5-2.

Vốn là tiền vệ phòng ngự, hẳn nhiên "tư duy đánh chặn" sẽ đi theo ông Kim Sang Sik suốt sự nghiệp cầu thủ sang huấn luyện viên. Bằng chứng là Jeonbuk Hyundai Motors dưới thời HLV Kim Sang Sik thi đấu khá thực dụng.

Bóng đá Việt Nam kỷ nguyên Kim Sang Sik và duyên nợ với Shin Tae Yong - 4

HLV Kim Sang Sik được đánh giá hiểu văn hóa Việt Nam hơn người tiền nhiệm Philippe Troussier (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ngoài ra, nhà cầm quân 47 tuổi này còn được đánh giá cao trong khoản xoay xở ở nguồn lực hạn chế. Đó là phẩm chất rất cần cho tuyển Việt Nam thời "hậu thế hệ vàng Thường Châu".

Về mặt ứng xử, như đã đề cập, HLV Kim Sang Sik là kiểu người nóng nảy nhưng vui tính, dễ gần và biết cách trở thành thủ lĩnh. Thế nên, có thể kỳ vọng vị chiến lược gia người Hàn Quốc này có thể tránh được vết xe đổ của ông Troussier.

Duyên nợ cùng HLV Shin Tae Yong

Một trong những nhiệm vụ chính của HLV Kim Sang Sik là đưa đội tuyển Việt Nam trở lại với vị thế "anh cả" của làng bóng đá Đông Nam Á, và một trong những đối thủ chính là HLV Shin Tae Yong, người đang dẫn dắt Indonesia tiến bộ vượt bậc.

Giữa ông Kim và ông Shin có mối giao tình từ xa xưa. Cả hai từng là đồng đội tại đội tuyển Hàn Quốc. Thú vị hơn, khi Shin Tae Yong được bổ nhiệm làm HLV Seongnam Ilhwa Cheonma, ông đã thực hiện cuộc cải tổ nhân sự và nhiều công thần phải ra đi, bao gồm Kim Sang Sik.

Vì thế, những cuộc đấu trí giữa hai nhà cầm quân này sắp tới hứa hẹn sẽ rất thú vị. Tuy nhiên, trước khi tính tới cuộc đụng độ, HLV Kim Sang Sik có thể học hỏi được đôi chút kinh nghiệm từ người bạn, người HLV cũ của mình. Trên hết là tính kiên trì và nỗ lực hết mình vì nhiệm vụ.

Ông Shin không thành công ngay từ đầu như ông Park và cũng không xem Indonesia là ưu tiên số một khi tìm việc mới. Mục tiêu của HLV Shin Tae Yong là dẫn dắt đội tuyển Thái Lan và suýt chút nữa đã đạt được thỏa thuận.

Trong thời gian đầu dẫn dắt các cấp đội tuyển Indonesia, HLV Shin Tae Yong đối mặt khối lượng công việc khổng lồ và vô vàn khó khăn. Vị chiến lược gia người Hàn Quốc này phải dẫn dắt 3 cấp đội tuyển là U20, U23 và ĐTQG, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây hạn chế cho việc đào tạo và tuyển lựa tài năng.

Bóng đá Việt Nam kỷ nguyên Kim Sang Sik và duyên nợ với Shin Tae Yong - 5

Đồng nghiệp cũ Shin Tae Yong sẽ là đối thủ lớn nhất của HLV Kim Sang Sik trong giai đoạn sắp tới (Ảnh: AFC).

Không chỉ vậy, những năm 2020 và 2021, bóng đá Indonesia đối diện khủng hoảng từ thượng tầng cho đến nhân sự, thành tích thi đấu cũng vô cùng bết bát. Đã có thời điểm, tưởng như HLV Shin Tae Yong đã nói lời chia tay bóng đá Indonesia.

Và trên thực tế, cả ba trợ lý của ông Shin là Kim Hae Woon (HLV thủ môn), Kim Woo Jae (HLV kỹ thuật), Lee Jae Hong (HLV thể lực) đều từ chức vào năm 2021 vì áp lực. Khả năng ứng biến của HLV Shin Tae Yong cũng là điều đáng ghi nhận.

Ban đầu, khi nguồn lực hạn chế, tuyển Indonesia thể hiện lối chơi thực dụng, phòng ngự xấu xí. Đến khi lực lượng Indonesia mạnh lên nhờ sự trưởng thành của các cầu thủ trẻ và đặc biệt là thành công trong công cuộc nhập tịch, Garuda chuyển sang lối chơi nhanh, biến hóa, tấn công rực lửa.

Về mặt chiến thuật, ông Shin (cũng là HLV thế hệ mới tại Hàn Quốc) đã áp dụng rất nhiều sơ đồ khác nhau tại các cấp đội tuyển Indonesia, từ 4-4-3, 4-3-3, 4-1-4-1 cũng như các sơ đồ 3 trung vệ.

Tựu trung, bóng đá Việt Nam hiện tại chưa đến mức đi xuống như bóng đá Indonesia thời điểm HLV Shin Tae Yong mới đến, tuy nhiên áp lực và kỳ vọng dư luận luôn rất lớn. Vì thế, sự kiên trì, nhẫn nại và cả khéo léo là rất cần thiết ở vị trí HLV trưởng.