Người đốt 4 xe máy khi vi phạm nồng độ cồn có thể bị xử lý hình sự

Xuân Duy

(Dân trí) - Bị tạm giữ xe do vi phạm nồng độ cồn, người đàn ông đã leo lên xe đặc chủng của cảnh sát đốt 4 xe máy. Luật sư nhìn nhận, hành vi trên có thể bị xử lý hình sự.

Như Dân trí thông tin, khoảng 21h ngày 28/4, tổ công tác của Đội CSGT Ngã ba Thái Lan lập biên bản với ông L.V.T. (40 tuổi) do vi phạm nồng độ cồn.

Khi tổ công tác đang làm việc, ông T. tìm cách nhảy lên ô tô. Lực lượng yêu cầu xuống khỏi phương tiện chuyên dụng, ông này đã dùng bật lửa đốt xe máy của mình.

Do ngọn lửa bùng phát nhanh, chiếc xe máy của người vi phạm và 3 xe máy khác trên ô tô đã bị hư hỏng.

Người đốt 4 xe máy khi vi phạm nồng độ cồn có thể bị xử lý hình sự - 1

Lực lượng CSGT cố gắng dập lửa (Ảnh: Người dân cung cấp).

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Thị Thúy Huyền (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, trong trường hợp này, ngoài bị xử lý vì điều khiển xe khi vi phạm nồng độ cồn, ông T. có thể bị xử lý hình sự bởi hành vi đốt xe.

Theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu có quyền định đoạt đối với tài sản của mình. Nhưng việc ông T. đốt 4 xe máy được xác định là hành vi xâm hại đến trật tự công cộng và có thể gây nguy hiểm cho xã hội.

Theo luật sư Huyền, hành vi trên có thể xử lý hành chính hoặc khởi tố về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật hình sự. Theo quy định tại khoản 2 điều này, người phạm tội có thể bị phạt từ 2 đến 7 năm tù.

Bên cạnh đó, bà Huyền cho biết, tại thời điểm vi phạm, phương tiện là tang vật và là cơ sở để lực lượng cảnh sát giao thông có thể lập biên bản sự việc vi phạm hoặc tạm giữ phương tiện để xử lý vi phạm. Do đó, hành vi đốt xe của người đàn ông trên đã trực tiếp gây cản trở cho người đang thi hành nhiệm vụ nên có thể khởi tố về tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, tại Khoản 1 Điều 330 Bộ Luật hình sự 2015, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nữ luật sư đánh giá, tùy vào việc cơ quan chức năng điều tra cụ thể như tính chất hành vi, mức độ, hậu quả, lỗi để có hành vi xử lý tương ứng, phù hợp.